Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Bé 3 Tuổi Đã Tỏ Ra Bướng Bỉnh, Chống Đối, Phải Làm Sao Đây?

Là một ông bố có hai con trai, từng trải qua sự bướng bỉnh đến mức cảm thấy bất lực và nghi ngờ vào cách dạy con của bản thân, mình hiểu được cảm giác của các mẹ khi con mình tỏ ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Cũng giống như chia sẻ của thành viên @dodongtruyenthong "Bé nhà em năm nay bốn tuổi mà bướng ơi là bướng,cháu là con gái nhưng mà ghê gớm toàn đánh các bạn cùng chơi,bố mẹ nói mãi mỏi mồm nói mãi vẫn vậy .Chả nhẽ hôm nào cũng đánh..."

Vậy chúng ta phải làm sao khi bé tỏ ra bướng bỉnh? Có cách nào để không phải "Hôm nào cũng đánh..." và cư xử hòa nhã với con?

[​IMG]

Ở tuổi này, cùng với sự phát triển về ngôn ngữ, trẻ có ý thức về quyền tự chủ. Nhu cầu được độc lập với cha mẹ và quyền quyết định riêng một số thứ. Vì vậy khi thấy bé tỏ vẻ không nghe lời, phản đối cha mẹ cũng có thể hiểu là bé đang trưởng thành. Một số gợi ý được tổng hợp sau có thể sẽ giúp được các mẹ trong việc cư xử khi bé tỏ vẻ bướng bỉnh, giữ được thái độ hòa nhã với con:

- Hạn chế những yêu cầu của mình. Các mẹ nên quan sát và nói chuyện với con, xem liệu mình có quá ngăn cấm hay áp đặt các bé? Có ngăn cản bé quá nhiều? Việc này có thể sẽ khiến bé căng thẳng, sinh ra bướng bỉnh và lì lợm.

- Khơi gợi sự hấp dẫn của công việc. Bé sẽ rất thích làm nếu như các mẹ khơi gợi sự thích thú của các bé với công việc, có thể cho bé tham gia cùng trong một số công việc với bố mẹ.

- Hướng con đến các hoạt động mà bé ưa thích. Ví dụ nếu bé thích được đọc truyện trước khi đi ngủ các mẹ có thể nói: "Sau khi đánh răng, chúng ta có thể lên giường và cùng đọc truyện nhé!".

- Đưa ra các lựa chọn. Nên đưa ra cho bé các lựa chọn thay vì các câu hỏi mà bé dễ dàng trả lời không. Ví dụ, thay vì hỏi bé: "Con có muốn dọn đồ chơi của mình không?" các mẹ nên hỏi: "Con muốn dọn cái oto hay bộ xếp hình trước?".

- Tránh ra lệnh cho bé khi có thể được. Bất cứ em bé nào cũng sẽ muốn chống đối lại khi phải nghe quá nhiều mệnh lệnh. Các mẹ có thể thay thế những mệnh lệnh bằng các đề nghị bé chẳng hạn.

- Giữ bình tĩnh. Giữ bình tĩnh là điều các mẹ luôn nên nhớ khi các bé tỏ ra bướng bỉnh, chống đối. Đừng quát mắng hay phạt bé ngay khi bé tỏ ra chống đối, cần tôn trọng quyền nói: "Không" của bé và giải thích cho bé hiểu có những việc bé phải làm dù không muốn.

- Cương quyết. Có những mẹ dù đã từ chối đòi hỏi của bé nhưng rồi vẫn nhượng bộ khi bé khóc lóc, dỗi. Các mẹ không nên làm vậy, đừng để bé thấy rằng bố mẹ rất "Dễ".

- Dành thời gian cho bé. Đôi khi việc tỏ ra bướng bỉnh, phản đối bố mẹ là cách mà bé muốn bố mẹ chú ý nhiều hơn nếu như các mẹ dành ít thời gian chơi cùng các bé. Vì vậy lời khuyên là hãy dành thời gian chơi cùng các bé, làm bạn của các bé trong các trò chơi hay những câu chuyện hàng ngày.

Và cuối cùng, nếu như các bé có tỏ ra bướng bỉnh, không nghe lời thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng hay vội quy kết là bé hư, khó bảo. Hãy hiểu đó là những tâm lý lứa tuổi bình thường, là giai đoạn "Khủng hoảng tuổi lên hai" hay "Khủng hoảng tuổi lên ba" như chia sẻ của thành viên @oanhoanh4558 trong topic: Khủng Hoảng Tuổi Lên Hai...

Có thể bạn quan tâm:
Phải Làm Sao Khi Bé Lười Ăn?
Trẻ Mấy Tuổi Thì Có Thể Học Piano, Guitar?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét