Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Phải Làm Sao Khi Bé Lười Ăn?

"Bé lười ăn quá", "Bé ăn ít quá" có lẽ là những câu than thở chúng ta gặp thường xuyên nhất từ các mẹ. Và để giải quyết vấn đề này, các mẹ đã nghĩ ra trăm ngàn các biện pháp để dỗ các bé ăn. Xin được kể ra một câu chuyện không biết có nên cười hay không ở khu tập thể chỗ mình ở: 2 vợ chồng trẻ, 1 em bé hơn 1 tuổi và mỗi ngày, cả khu đều không lạ gì với hình ảnh bố chở xe máy, mẹ ngồi sau; tay thì bế bé, tay còn lại là bát cháo hay bình sữa vòng đi vòng lại quanh khu tập thể - ngày này sang ngày khác. Hay hình ảnh những em bé được cho ăn sữa bằng...xi lanh! Chắc cũng không cần bình luận thêm về các hình ảnh này, chung quy cũng chỉ từ những câu than thở trên.

[​IMG]

Vậy phải làm sao khi bé lười ăn?

Chúng ta sẽ chia ra 2 trường hợp: Bé lười ăn "kinh niên" và bé tự nhiên lười ăn, bỏ ăn. Với trường hợp thứ nhất, như các mẹ đều biết theo quy luật sinh tồn thì các bé sẽ không để mình bị đói trừ trường hợp đau ốm. Như vậy nếu các bé có ăn ít thì các mẹ cũng đừng sốt ruột hay căng thẳng quá! Thay vào đó chúng ta thử đi tìm nguyên nhân, các vấn đề của bé để hiểu bé hơn. Có 1 số nguyên tắc chung của việc các bé lười ăn mà các mẹ có thể tham khảo như sau:

- Đừng bao giờ bắt trẻ phải ăn hết khẩu phần của mình. Có thể bé không thích món đó hoặc bé đã no.
- Xem bé có bị bệnh mãn tính gì không? Nhất là các bệnh về đường ruột.
- Không nên cho bé ăn nhiều đồ ăn vặt, đồ ngọt. Có thể cho bé uống nước lọc trước mỗi bữa ăn khoảng 30' đến 1h. Không nên kéo dài quá lâu bữa ăn của bé, có thể xếp các bữa ăn của bé vào 1 số giờ nhất định.
- Thay đổi cách chế biến món ăn, đổi thức ăn phong phú, phù hợp với lứa tuổi của bé.
- Với các bé hiếu động (các bé trên 12 tháng tuổi) các mẹ nên dừng các hoạt động vận động nhiều của bé trước bữa ăn khoảng 5 - 10', chuyển sang hoạt động mang tính thư giãn, giải trí nhẹ nhàng như kể chuyện, hát 1 bài gì đó...
- Cho bé tham dự vào các bữa ăn nhiều nhất có thể. Không khí vui vẻ, ấm cúng của các bữa ăn gia đình cũng sẽ giúp bé cảm thấy ngon miệng và học được thói quen ăn uống tốt.
- Nếu bé lười ăn quá, có thể cho bé chơi 1 trò chơi yên tĩnh khi ăn nhưng không nên lạm dụng việc này quá. Đặc biệt tránh việc cho bé xem tivi hay điện thoại, ipad khi ăn.
- Nếu bé không tăng cân trong khoảng từ 2 tháng trở lên, bạn nên đưa bé đi khám bác sỹ.

Với các bé tự nhiên lười ăn hay bỏ ăn các mẹ nên tìm hiểu 1 số nguyên nhân sau:

- Bé có đang mọc răng không? Việc các răng nhú lên có thể sẽ làm cho các bé bị đau miệng.
- Bé có bị đau họng hay viêm nhiễm gì trong miệng không?
- Việc thay đổi chế độ ăn cho bé có đột ngột không?
- Thành phần trong bữa ăn của các bé có quá nhiều chất hay các bé uống nhiều vitamin (nhất là vitamin D) cũng có thể là nguyên nhân khiến bé chán ăn.
- Sự thay đổi thời tiết hay những căng thẳng trong gia đình cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc ăn uống bé.
- Với các bé đã đi lớp thì các mẹ cũng nên tìm hiểu chế độ ăn uống, sinh hoạt ở trường có thay đổi nhiều?
Nếu bé chán ăn trong 1 vài bữa thì các mẹ cũng nên quá căng thẳng, nên tìm hiểu xem bé thích ăn gì hơn? Tuy nhiên nếu bé bỏ ăn trong vài ngày hay nếu có nghi vấn về sức khỏe của bé thì các mẹ cần đưa con đi khám bác sỹ ngay.

Lo lắng, căng thẳng khi con ăn ít là tâm lý chung của các mẹ. Tuy nhiên việc các mẹ quá căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của các bé, ảnh hưởng tới việc hấp thu thức ăn cũng như sự phát triển chung. Dù bé có ăn ít hay ăn nhiều thì các mẹ cũng nên có thái độ chấp nhận, vui vẻ, động viên các bé.

Các mẹ cũng có thể tham khảo thêm các phương pháp cũng như các mẹo giúp bé bớt lười ăn, ăn ngon miệng hơn được các thành viên thảo luận tại topic: Bé Lười Ăn

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể thay thế cho ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Trong trường hợp bạn cần thông tin chính xác, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ của bạn để có lời khuyên phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Con Biếng Ăn, Kém Hấp Thu, Chậm Tăng Cân - Vấn Đề Khiến Bố Mẹ Đau Đầu?
Khi Con Biếng Ăn, Mẹ Phải Làm Gì?
Nên Cho Con Ăn Dặm Theo Phương Pháp Nào?
Có Nên Cho Muối Ăn Vào Đồ Ăn Dặm Của Bé?
Bé 8 Tháng Bỏ Không Chịu Ăn Uống Gì. Hãy Cùng Chia Sẻ!

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Trẻ Mấy Tuổi Thì Có Thể Học Piano, Guitar?

Âm nhạc không những giúp kích thích sự phát triển của não bộ mà còn là cách nuôi dưỡng cảm xúc của các bé rất tốt, 1 lợi ích không nhỏ nữa của việc cho các bé học chơi 1 loại nhạc cụ là giúp các bé rời xa được cám dỗ của các thiết bị, trò chơi điện tử. Những loại nhạc cụ thường được các mẹ lựa chọn là Piano hay Guita, và chắc chắn trước khi quyết định cho con học thì 1 câu hỏi luôn được đặt ra là: Trẻ mấy tuổi thì có thể học Piano, Guitar?

Có lẽ sẽ là rất khó để tìm được một chuẩn mực cho câu trả lời câu hỏi này! Vì nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, sở thích của từng đưa trẻ. Mozart đã học đàn từ khi mới 3 tuổi và 5 tuổi đã có thể soạn nhạc. Tất nhiên Mozart được coi là thiên tài trong các thiên tài, còn con cái chúng ta thì sao?

[​IMG]

Trước hết nói về học Piano - Đầu tiên chắc chắn phải là chính các bé đã sẵn sàng để bắt đầu học hay chưa? Các mẹ có thể đưa các bé đến dự khán ở các tâm đào tạo âm nhạc và quan sát sự hứng thú của các con đối với việc học này. Thực tế thì có 1 số bé đã có thể học tốt khi khi mới 3 - 4 tuổi, tuy nhiên đó phải là các bé có độ tập trung cao, đam mê, khả năng hát đúng giai điệu, phân biệt được âm sắc, mà như chúng ta thường nói thì là các bé có năng khiếu âm nhạc. Theo ý kiến của các mẹ đã, đang có con học Piano và chính các giáo viên dạy nhạc thì độ tuổi phù hợp nhất cho các bé học là 5 - 6 tuổi vì các lý do sau:

- Phím đàn Piano khá nặng do đó đòi hỏi các bé phải có nền tảng thể lực nhất định.
- Các bé ở độ tuổi này đã có sự tập trung tương đối tốt, khả năng ghi nhớ, sự khéo léo của tay chân.
- Chưa đến độ tuổi đi học nên các bé sẽ có nhiều sự tập trung hơn.

Các mẹ cũng có thể khắc phục các điểm trên bằng việc cho bé làm quen với âm nhạc sớm hơn như cho các bé nghe những bản nhạc, học loại nhạc cụ ít khó hơn như Organ chẳng hạn.

[​IMG]

Với Guitar, cũng giống như Piano thì điều đầu tiên vẫn là: Các con đã sẵn sàng để bắt đầu học. Do đặc trưng của nhạc cụ, khác với Piano, độ tuổi để bắt đầu học theo kinh nghiệm của các giáo viên giảng dạy bộ môn này thì bắt đầu từ 6 tuổi là thời gian phù hợp để học vì các lý do:

- Đủ sự khéo léo. Nếu thiếu kỹ năng vận động và sức mạnh của tay thì sẽ là rào cản lớn nhất cho các bé khi học loại nhạc cụ này vì Guitar cần các ngón tay nhanh nhẹn để chuyển đổi hợp âm. Có những bé phải tới 8 - 9 tuổi mới có thể bắt đầu học vì bàn tay quá nhỏ, để khắc phục điều này các mẹ có thể chọn cho con cây đàn có kích thước phù hợp.
- Sự kiên nhẫn và tập trung. Các bài tập Guitar luôn đòi hỏi sự thực hành nhiều và nếu thiếu sự kiên nhẫn các bé sẽ nhanh nản dẫn đến không còn hứng thú với âm nhạc.

Dù các mẹ quyết định cho con học Piano hay Guitar ở độ tuổi nào thì yếu tố quan trọng nhất trước khi cho trẻ bắt đầu đó là: Liệu trẻ có thích thú với Piano, Guita và âm nhạc? Nếu trẻ không có sự thích thú mà bố mẹ cứ bắt ép thì sẽ dẫn tới tâm lý làm trẻ chán ghét âm nhạc, những bài học sẽ tạo ra áp lực quá lớn có thể khiến trẻ bị stress hoặc trầm cảm.

Các mẹ có thể tham khảo thêm bài viết phân tích về nhạc cụ cũng như ý kiến của các thành viên trong topic: Nên cho trẻ học đàn piano từ mấy tuổi ?